Tham quan xưởng sản xuất, cũng như gian hàng trưng bày của Công ty TNHH MTV Musa Pacta, chúng tôi không thể ngờ, qua bàn tay khéo léo của những người thợ, từ thân cây chuối đã tạo ra được sợi tơ chuối. Để rồi từ đó, tết, bện thành nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, như: Túi, giỏ, sọt, làn, khay, thảm, lồng đèn, hoa giấy, dụng cụ cọ cốc chén, bàn ghế, dép… với kiểu dáng độc đáo, phong phú. Những sản phẩm này đang được người tiêu dùng trong nước yêu thích lựa chọn, cũng như xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác tại Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…
Anh Bùi Khánh Dũng giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ sợi chuối. |
Vậy mà chưa hết, anh Bùi Khánh Dũng, Giám đốc Công ty cho biết, đây chỉ là một số ít sản phẩm minh họa cho những gì làm được từ cây chuối Việt Nam.
Ngoài việc tách thân chuối thành các sợi tơ chuối, phần nước ép từ thân cây chuối được kết hợp với quả chuối chín để ủ enzyme sinh học thành nước dinh dưỡng dùng tưới rau, cây ăn quả; bã từ thân chuối được tận dụng ủ thành phân vi sinh bón cho cây trồng, vừa cung cấp vi chất, lại thân thiện với môi trường. Công ty đang nghiên cứu và đã có sản phẩm mẫu như miến từ củ chuối; bột từ quả chuối; bông, vải từ sợi chuối…
Theo tính toán sơ bộ, so với việc đơn thuần chỉ lấy quả, việc tận dụng các thành phần khác của cây chuối khiến giá trị kinh tế được nâng lên 2,5 lần.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi vì sao lại chọn cây chuối để khởi nghiệp, anh Bùi Khánh Dũng cho biết: ”Thời gian ở Nhật Bản, anh đã thấy nhiều sản phẩm có giá trị làm từ sợi chuối như giấy, vải quần áo, túi trà, thậm chí một số tờ tiền của Nhật Bản cũng làm từ sợi chuối. Nhìn ra thế giới cũng thấy, thị trường sợi chuối đã hình thành và phát triển vài chục năm nay. Đây là một thị trường sôi động, phát triển liên tục với những quốc gia xuất khẩu sợi chuối thô hàng đầu thế giới như Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc… mỗi năm thu hàng tỷ USD. Trong khi đó, tại Việt Nam, cây chuối được trồng khắp nơi, quanh năm, nhưng chủ yếu dùng để lấy quả, một số ít tận dụng được lá khô, lá tươi, hoa tươi; còn thân chuối gần như chặt bỏ, gây ô nhiễm môi trường. Người trồng chuối thậm chí phải mất chi phí cho việc đốn hạ, vứt bỏ thân chuối sau thu hoạch”.
“Sau khi thân chuối được thu gom về, bổ đôi, tách bẹ và đưa vào máy ép sợi. Sợi chuối được phân loại và đưa lên giàn, phơi khô, sau đó bó lại và đưa vào máy quay sợi; tiếp đó sẽ được tết lại thành những sợi thừng lớn, nhỏ và nhuộm đủ màu… Với nhiều thế mạnh về nguồn nguyên liệu, tôi nghĩ sợi tơ chuối có khả năng là một lối đi mới cho người trồng chuối, cũng như tạo ra nhiều vật liệu mới hoàn toàn tự nhiên, đáp ứng yêu cầu xanh hóa sản xuất hiện nay” – anh Bùi Khánh Dũng chia sẻ.
Nhưng làm sao để có máy tuốt sợi chuối là câu hỏi tiếp theo của chúng tôi. Giải đáp thắc mắc này, anh Bùi Khánh Dũng cho biết, máy tuốt sợi chuối của Công ty được ra đời vào thời điểm Công ty mới được thành lập. Hành trình biến ý tưởng thành sản phẩm trong thực tế gặp không ít gian nan.
Ban đầu anh định thuê công ty cơ khí gia công. Tuy nhiên, khi mang ý tưởng đi các nơi để đặt hàng thì không ai làm, vì người ta đặt ra những câu hỏi anh không trả lời được. Chẳng hạn, họ hỏi rằng đặt bao nhiêu chiếc, phải có số lượng cụ thể thì họ mới lên đơn hàng. Với suy nghĩ, cần chủ động trong việc nắm giữ phương thức sản xuất, anh quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy cơ khí chính xác GMF để chế tạo thiết bị này.
Nhờ khả năng ứng dụng cao, thiết bị tách sợi chuối của Công ty đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích vào tháng 4-2022.
Sự bắt tay của doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân
Công ty TNHH MTV Musa Pacta được thành lập vào năm 2019-là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam sản xuất và kinh doanh sợi chuối và các sản phẩm từ sợi chuối. Đến nay, Musa Pacta không đầu tư vào diện tích trồng chuối mà chọn cách hợp tác cùng các hợp tác xã tại nhiều địa phương có vùng nguyên liệu trồng chuối rộng lớn. Hiện nay, Musa Pacta thu mua với mức giá 450.000 đồng/tấn thân chuối và đã đồng hành với 10 hợp tác xã tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Nam Định, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Phú Thọ… trong việc sản xuất sợi chuối và các sản phẩm từ chuối.
Hiện nay, 10 hợp tác xã đang tạo việc làm cho khoảng 300-600 lao động tùy từng thời điểm, đảm nhận các phần việc từ chặt chuối, vận chuyển, tuốt sợi, ép bã, ngâm ủ nước thân chuối, quả chuối để làm chế phẩm sinh học hữu cơ, sản xuất một số đồ thủ công mỹ nghệ, gia dụng bằng sợi chuối; với mức thu nhập trung bình 3 triệu đồng/người. Trong đó, đáng nói, công việc tết, bện sản phẩm từ tơ chuối không quá nặng nhọc nên người cao tuổi cũng có thể tham gia.
Chia sẻ về dự định sắp tới, anh Bùi Khánh Dũng cho biết, hầu hết sản phẩm của Musa Pacta hiện được phân phối qua các công ty thương mại để xuất khẩu. Hiện quy mô sản xuất của Công ty vẫn ở mức nhỏ nên chưa khai thác hết được tiềm năng nguồn nguyên liệu cũng như đôi khi không thể đáp ứng hết các đơn hàng. Chính vì vậy, để đi đường dài, Công ty đang đầu tư bài bản cho khoa học-công nghệ, đầu tư nhà máy sản xuất hiện đại.
Do đó, Viện nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ và giống cây trồng ứng dụng công nghệ cao thuộc Musa Pacta đã ra đời, nghiên cứu tạo ra những giống chuối cho hiệu quả cao hơn về quả, sợi. Đặc biệt, Công ty đang đầu tư 3 nhà máy với quy mô sản xuất vải từ sợi chuối, chế biến bã chuối làm thức ăn gia súc, giá thể trồng cây hay ép làm nguyên vật liệu xây dựng.
Bài và ảnh: KHÁNH AN
(Link bài viết: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bien-than-chuoi-bo-di-thanh-hang-xuat-khau-746984)