Doanh nhân Bùi Khánh Dũng và lời giao ước từ những sợi tơ chuối

Soichuoi 7 1647492989

Soichuoi 7 1647492989

(DNHN)Là một doanh nghiệp có tuổi đời còn rất trẻ, thành lập hồi tháng 9/2019 nhưng Công ty Musa Pacta của anh Bùi Khánh Dũng đã thành công trong việc sở hữu Bằng độc quyền giải pháp hữu ích sản xuất sợi từ thân cây chuối.

“Tên gọi Musa Pacta mang ý nghĩa đặc biệt, vốn là tên ghép từ tiếng Latinh. Musa nghĩa là chuối, còn Pacta là giao ước. Đó là giao ước để cùng nhau biến sợi chuối trở thành thứ có ích, cùng nhau làm giàu, cùng nhau phát triển, để đất nước có thêm một mặt hàng ưu việt trên thị trường thế giới”, anh Bùi Khánh Dũng – Giám đốc Công ty Musa Pacta bộc bạch.

“Nếu chỉ nghĩ thân chuối là bỏ đi thì thực sự lãng phí. Từ thân cây chuối có thể đem lại giá trị kinh tế đầy tiềm năng khi có thể làm ra sợi chuối, tơ chuối, để rồi từ đó tạo ra các sản phẩm thủ công mĩ nghệ, giấy,… mang lại giá trị cao hơn”, ông chủ Musa Pacta nói.

Ngoài ra, sợi chuối không dễ bắt cháy như các loại vật liệu khác. Chính vì cây chuối sẵn có chất kháng sinh tự nhiên nên không bị mốc hay nhiễm khuẩn, do đó sản phẩm từ cây chuối khi nhập khẩu vào các nước không phải qua các thủ tục kiểm dịch thực vật phức tạp như nhiều sản phẩm từ thực vật khác.

Từ sản phẩm sợi chuối thô người ta còn có thể sản xuất nhiều loại sản phẩm như thủ công mỹ nghệ, giấy các loại như giấy in tiền, giấy gói hàng, đến những vật liệu cao cấp dùng trong công nghiệp ô tô, du thuyền… tạo nên giá trị thương phẩm gấp bội.

Để rồi đi tìm hiểu kĩ hơn, anh mới thấy thị trường sợi chuối trên thế giới đã hình thành và phát triển khoảng 15 – 20 năm nay. Đó là một thị trường sôi động, phát triển liên tục với những quốc gia xuất khẩu sợi chuối thô hàng đầu thế giới như Philippines, Ấn Độ,… mỗi năm thu về hàng tỷ USD.

Nhìn về Việt Nam, anh thấy đâu đâu cũng có cây chuối, tỉnh nào cũng có vùng trồng. Lợi thế đầu tiên của sợi chuối đó chính là nguồn nguyên liệu dồi dào – vốn bị bỏ đi sau khi thu hoạch quả.

“Muốn có 1kg bông, đay hay gai thì cũng phải phá đất ra để trồng, phải chăm, phải chờ đợi, mất công, mất sức. Còn với chuối thì lại khác, nguồn nguyên liệu đang sẵn có, vậy tại sao lại không học hỏi kinh nghiệm từ nước bạn để tạo ra được sản phẩm có giá trị cao từ loại cây này, giúp bà con nông dân có thêm công ăn việc làm?”, anh suy nghĩ.

Quy mô của ngành sợi chuối thế giới trị giá hàng chục tỷ USD, những hãng thời trang cao cấp như Dior, Yves Saint Laurent, Zara, Uniqlo, H&M… đều có các sản phẩm từ sợi chuối, vải sợi chuối. Mức độ tăng trưởng trong 10 năm gần đây của thị trường sợi tơ chuối ở mức từ 16 – 30%/năm”, anh thông tin.

Khi tôi đang chèo lái con thuyền, bạn có thể cùng lên hoặc không thì đứng trên bờ vỗ tay ủng hộ chứ đừng ném đá bởi sẽ có rất nhiều người vô cớ ném theo. Bao giờ cũng thế, như nhà thơ Lưu Quang Vũ có câu rằng: “Nịnh đời dễ, chửi đời cũng dễ. Chỉ có dựng xây đời là khó khăn thôi”.

Musa Pacta định hình ra hệ sinh thái về sợi tơ chuối tại Việt Nam gồm 5 thành phần vừa đan xen, vừa bổ sung, hỗ trợ cho nhau gồm:

1. Hệ thống các xưởng tuốt sợi có thể phát triển tới các thôn bản trên khắp cả nước để giống như cái máy xát gạo chung, ai đi nương hay trong vườn có vài ba thân chuối tuốt xong để lại sợi ở đó, gom dần rồi bán;

2. Hệ thống các xưởng, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại chỗ;

3. Viện nghiên cứu giống công nghệ cao và chuyển đổi số sẽ trở thành vườn ươm, là chỗ dựa về khoa học, về cây giống cho nông dân, đặc biệt là nông dân trồng chuối.

4. Hệ thống các khu bảo tồn sinh thái chuối trong đó có hơn 60 giống chuối bản địa, hơn 200 giống chuối nước ngoài. Đây là một sản phẩm mới của ngành du lịch vì có thể phát triển từ du lịch khám phá, du lịch hội nghị, du lịch trải nghiệm, du lịch giáo dục bởi có những giống chuối vô cùng đặc sắc như chuối đỏ, chuối đen, chuối siêu lùn chỉ 80cm đã có thể ra buồng, chuối siêu cao tới 20m, chuối hàng trăm nải, chuối quả nặng tới 1,5kg;

5. Hệ thống nhà máy sản xuất từ vải bông, sợi chuối cho đến may mặc, các nhà máy chế biến bã chuối làm thức ăn gia súc, giá thể trồng cây hay ép làm nguyên vật liệu xây dựng.

Là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sợi từ thân cây chuối, anh Dũng nói rằng, vì là doanh nghiệp mới, đi con đường chưa ai đi nên còn gặp nhiều khó khăn.

Hàng chục tỷ đồng cộng rất nhiều công sức, trí tuệ đã được anh Dũng và các cộng sự đầu tư cho sợi tơ chuối bé nhỏ. Cũng chính anh là chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế thiết bị xử lý thân cây chuối thành sợi, bã, nước hay nói cách khác là không hề có rác thải mà tất cả đều thành hàng hóa, là nguyên liệu đầu vào cho nhiều lĩnh vực khác như giá thể trồng cây, dịch vi sinh tưới cây. Chúng góp phần hữu cơ hóa nền nông nghiệp với một giá thành hợp lý hơn bởi 1 lít dịch chuối có thể pha với 100 lít nước để tưới bổ sung các loại trung, vi lượng mà giá bán chỉ cỡ 30.000 đồng.

Trong thời gian tới, khi nhà máy bông, sợi của Công ty Musa Pacta khánh thành, có thể hi vọng sẽ có một dòng sản phẩm vải chất lượng cao dành cho tiêu dùng và xuất khẩu. Một ngành nghề mới, một hệ sinh thái mới dựa trên những sợi tơ chuối dần dần sẽ được thành hình.

Đây còn là một xu thế phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững, không gây tổn hại và thân thiện với môi trường.

(Nguồn: https://doanhnghiephoinhap.vn/doanh-nhan-bui-khanh-dung-va-loi-giao-uoc-tu-nhung-soi-to-chuoi.html)

X