Cha đẻ của máy tách sợi chuối tâm sự, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển mới của thế giới. Xu hướng tiêu dùng xanh đang lên ngôi, các loại sợi tự nhiên ngày càng được ưa chuộng. Anh Dũng cho hay, loại vải làm từ sợi tự nhiên mang đến cảm giác mặc mát, thoáng và góp phần bảo vệ môi trường bởi đặc tính dễ phân hủy, trong khi đó vải sợi từ dầu mỏ, nhựa phải mất hàng trăm năm mới “tiêu tán”.
Nhà sáng chế phân tích, sợi chuối là loại sợi libe, có cấu trúc hình ống rỗng, chịu lực kéo và lực nén tốt, rất bền vững. Nhờ cấu trúc này, sợi chuối nhẹ, thoáng, thấm nước tốt. Cây chuối cũng sẵn có chất kháng sinh tự nhiên nên sợi không bị mốc hay nhiễm khuẩn. Mặt khác, sợi chuối không dễ bắt cháy mà giá trị kinh tế lại rất cao. Anh Dũng dẫn chứng, ở Nhật Bản một chiếc áo từ sợi chuối quy ra tiền Việt có giá hàng chục triệu đồng; hay tại Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc, mỗi năm các quốc gia này xuất khẩu sợi chuối thu về hàng tỷ USD.
Lại nói, chuối là loài cây có sức sống tốt, dễ trồng, nhanh thu hoạch, Việt Nam có diện tích trồng chuối lớn với hơn 150.000 ha, sản lượng hơn 2 triệu tấn/năm, giàu tiềm năng cho ngành chế biến sợi và phụ phẩm từ cây chuối. Những năm tháng làm việc trên “đất khách”, anh Dũng đã tìm hiểu về các sản phẩm từ sợi chuối và ấp ủ ý tưởng trở về Việt Nam phát triển kinh tế tuần hoàn từ cây chuối.
Năm 2019, rời Nhật Bản về Hà Nội, anh Dũng mày mò nghiên cứu chế tạo máy tách sợi chuối. Ròng rã 2 tháng, anh đôn đáo tìm các xưởng cơ khí đặt chế tạo máy theo ý tưởng nhưng nảy sinh nhiều bấp cập anh không thể đáp ứng. Chẳng hạn phải đặt hàng số lượng lớn các xưởng mới chấp nhận. Vì vậy, anh quyết tâm tự mình chế tạo chiếc máy mong ước.
Để thực hiện, anh đầu tư mở xưởng cơ khí chính xác GMF, miệt mài nghiên cứu chế tạo máy. Trải qua 6 tháng gian nan trong vòng xoáy “đổ mồ hôi sôi nước mắt” sai sửa – sửa sai –sửa, sau vài chục lần tinh chỉnh chiếc máy cũng được hoàn thiện. Nhà sáng chế bộc bạch, sợi chuối có đặc điểm mảnh như sợi chỉ, yêu cầu kỹ thuật vòng quay máy phải đạt 1.400 vòng/phút, nếu chế tạo bộ phận tách sợi không chính xác sẽ khiến đứt sợi hoặc cho ra toàn bã. “Máy tách sợi chuối của tôi được thiết kế sử dụng các lưỡi dao dạng chữ U, các mép dao bo tròn, nằm cách đều và song song với trục quay của dao. Khi vận hành, máy dùng lực đập của dao để đánh tan phần thịt của bẹ chuối và giữ lại phần sợi, sau khi đánh xong, kéo ngược lại để lấy sợi ra một cách dễ dàng”.
Nói về quy trình làm ra sợi chuối và “biến hóa” chúng thành những sản phẩm hữu ích, anh Dũng cho biết, công đoạn đầu tiên sẽ xẻ đôi thân chuối, sau đó tách bẹ đưa vào máy tách sợi thu được sợi chuối thô. Sợi chuối thô được phân loại và phơi khô. Tiếp đó, bó lại đưa vào máy quay sợi để thu lấy sợi thành phẩm. Qua bàn tay những người thợ thủ công, sợi chuối biến thành các sản phẩm độc đáo như túi, giỏ, sọt, làn, dép… rồi đến mảnh sợi vụn cũng đều có ích, chúng được ép thành giấy để làm đèn lồng, giấy vẽ tranh.
Nhà sáng lập Công ty Musa Pacta tự hào cho biết, máy tách sợi chuối của anh có ưu điểm vượt trội đó là thiết kế lưỡi dao kép từ inox 304 phủ bạc. Vận hành máy rất an toàn bởi thiết kế khe hở đưa nguyên liệu vào rất hẹp, trường hợp người vận hành trượt tay sẽ không bị hút vào đó; chưa hết, về giá thành, máy của anh rẻ hơn nhiều so với máy tách sợi nước ngoài. “Phần thưởng xứng đáng cho những ngày vất vả chế tạo máy là sáng chế của tôi đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền sáng chế, nhiều bà con nông dân tin dùng”, anh Dũng vui vẻ thổ lộ.
Tiên phong phát triển chuỗi sản phẩm thân thiện môi trường từ loài cây thân thuộc
Sáng chế của anh Bùi Khánh Dũng gắn liền với doanh nghiệp Musa Pacta do anh thành lập tháng 9/2019. Tên Công ty ghép từ tiếng Latinh, Musa là chuối, Pacta là giao ước. Giao ước cùng biến sợi chuối thành sản phẩm hữu ích, cùng với đó là khát vọng xây dựng hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp từ “sợi chuối”, phát triển chuỗi sản phẩm thân thiện môi trường từ loài cây thân thuộc.
Anh Dũng tâm sự, Công ty chuyên hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực sợi chuối và các sản phẩm từ thân cây chuối. Mang đến cho cộng đồng người tiêu dùng những sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, thân thiện môi trường và đặc biệt mang lại nhiều lợi ích cho nông dân. Công ty phát triển theo chiến lược kiềng 3 chân. Thứ nhất tạo sinh kế: Đó là, tận dụng lợi ích tối đa từ cây chuối, loại cây phổ biến ở nước ta, chuối có đặc tính chịu đựng kham khổ tốt, dẻo dai, nhanh cho thu hoạch, dễ thích nghi từ miền xuôi hay miền núi. Từ đó, liên kết nông dân tạo sinh kế cho họ như: Phát triển kinh tế từ trồng chuối, đào tạo nghề làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ sợi chuối.
Thứ hai, tối ưu hóa sản phẩm: Trước kia, với nhiều nông dân Việt, thân cây chuối vốn được ứng dụng hạn chế, thậm chí còn được coi là rác vứt bỏ. Sự ra đời của máy tách sợi chuối giúp cây chuối trở nên vô cùng hữu ích. Sợi chuối được ứng dụng làm đồ thủ công mỹ nghệ nguyên liệu tự nhiên, sản phẩm đa dạng như mũ, túi xách, thảm, đệm, bàn ghế, giỏ, đèn trang trí, chổi quét bàn thờ…; cho đến sản xuất vải chuối phục vụ dệt may. Đồng thời, chế biến bã chuối dùng làm thức ăn gia súc hoặc bán cho người trồng nấm, hoặc làm phân hữu cơ, hay còn có thể ép thành sản phẩm mỹ nghệ như: khay đựng trứng, bầu ươm cây. Chưa hết, nước ép từ thân chuối được ủ với trái chuối chín và enzyme sinh học tạo ra dung dịch dinh dưỡng tưới cây; quả chuối được chế biến thành sản phẩm chuối sấy khô; chuối sấy dẻo; bánh bột chuối… “Hiện, Công ty đang nghiên cứu sản xuất thêm sản phẩm miến củ chuối; đặc biệt hơn hết là trà hoa chuối bổ sung vi chất cho phụ nữ có thai”, anh Dũng thổ lộ.
Thứ ba, công nghiệp hóa: Công ty đã nghiên cứu chế biến thành công sản phẩm công nghiệp từ trái chuối gồm: Bột chuối sấy phun (theo anh Dũng, đây là công nghệ đầu tiên ở Việt Nam); bột chuối sấy nghiền (với sản phẩm này, anh Dũng đã có đơn hàng xuất khẩu). “Với tỷ lệ 1/10, cứ 1 tấn bột khô cần 10 tấn quả tươi, lượng tiêu thụ quả rất lớn. Hiệu quả kinh tế vượt trội ở chỗ tận dụng được nguồn quả chuối không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu bởi xấu mã, kích cỡ không đạt, đồng thời công nghiệp chế biến còn góp phần giải quyết bài toán được mùa mất giá”, anh Dũng chia sẻ.
Say mê nói về mô hình kinh tế xung quanh chiếc máy tách sợi chuối, anh Dũng phấn khởi “khoe”, Công ty anh đã làm thủ tục xin cấp phép đầu tư 2 nhà máy sản xuất sợi dệt và chế biến bột chuối (10ha và 7,5ha), vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng tại Lào Cai, Thanh Hóa. Mỗi nhà máy có thể tiêu thụ 4.000-5.000 tấn chuối quả/tháng, trên 10.000 tấn thân chuối/tháng; công suất sản xuất bột và sợi đạt hàng nghìn tấn/tháng.
Hiệu quả liên kết nông dân phát triển kinh tế xanh
Vận hành đơn giản, hiệu quả cao, giá thành rẻ chỉ bằng ½ so với máy nhập từ Trung Quốc, máy tách sợi chuối của “nhà sáng chế tuổi Thìn” (anh Dũng sinh năm 1976-PV) nhanh chóng được nhiều nông dân, Hợp tác xã (HTX) “tậu” về để “khởi nghiệp” với nghề mới “tối ưu hóa sản phẩm” từ cây chuối. Bằng tâm huyết, nhà sáng chế đã thuyết phục được nhiều nông dân tin tưởng, liên kết nhân rộng mô hình HTX sản xuất các sản phẩm từ cây chuối tại Hà Nội, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Phú Thọ.
Anh Khánh Dũng cho biết, trong hoạt động liên kết với nông dân, Công ty cung cấp thiết bị máy tách sợi chuối, cam kết hỗ trợ bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh nhân rộng mô hình HTX mang lại sinh kế bền vững cho bà con nông dân, Công ty đã liên kết thành lập gần 10 xưởng chế tạo máy. Ngoài ra, Công ty tổ chức các lớp đào tạo nghề, thực hiện chính sách cung cấp máy cho nợ 30%, trả bằng sản phẩm; thu mua thân chuối với giá trung bình 400.000 đồng/tấn; mỗi tháng Công ty cung cấp 4-5 vạn cây chuối giống cho bà con nông dân các tỉnh. “Mục tiêu từ nay đến cuối năm, vùng trồng tại Lào Cai đạt 25ha; tại Yên Sơn Tuyên Quang đạt 74ha. Đây đều là vùng trồng chuối tuân thủ kỹ thuật canh tác theo phương thức hữu cơ mà chúng tôi liên kết xây dựng. Chúng tôi rất hạnh phúc khi có những cụ già ngoài 80 tuổi vẫn tham gia được vào mô hình sinh kế bền vững, có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống”, anh Dũng nói.
Có thể kể đến hiệu quả liên kết tiêu biểu giữa doanh nghiệp của nhà sáng chế Bùi Khánh Dũng với nông dân đó là hoạt động của HTX Khai Thái (xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội). “Thân cây chuối sau khi chặt bỏ vốn là “cây ném đi”, từ năm 2019, chúng tôi liên kết với doanh nghiệp của nhà sáng chế Bùi Khánh Dũng, từ đó tạo việc làm, cải thiện thu nhập của bà con xã viên, giúp họ nâng cao đời sống, mọi người rất phấn khởi. Trung bình 1 tấn thân chuối cho 10kg sợi, 300 lít nước, 150kg bã. Tất cả đều được sử dụng chế biến thành những sản phẩm ích lợi, đem lại giá trị kinh tế cao. HTX đã tạo việc làm cho gần 60 người, mức thu nhập trung bình đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng”, ông Đào Văn Hùng (Giám đốc HTX Khai Thái) chia vui.
Hiện nay, bằng những nỗ lực không ngừng, sản phẩm của Công ty Musa Pacta đã xuất khẩu tới nhiều thị trường quốc tế, tiêu biểu như các nước: Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada, Ý và một số thị trường khác như Ấn Độ, châu Âu… Hoạt động đến bán lẻ trong nước có nhiều khởi sắc. Công ty tích cực tham gia nhiều triển lãm, hội chợ về hàng thủ công mỹ nghệ để quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, Công ty đạt giải Nhì Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2023 với “bộ sản phẩm đèn sợi chuối Song hỷ lâm môn”. Điều này, là minh chứng sống động cho sự ưu việt của mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn do “người nông dân đặc biệt” Bùi Khánh Dũng phát triển. Không chỉ nâng cao giá trị nông nghiệp, bảo vệ môi trường, tạo việc làm mới cho người lao động góp phần xóa đói giảm nghèo, đây còn là mô hình kinh tế mang “hơi thở thời đại”, là hoạt động thiết thực góp sức hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh…