Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra lễ khánh thành Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái chuyên sản xuất, chế biến cây chuối thành sợi.
Nắm bắt xu thế phát triển bền vững, thân thiện với môi trường là hướng đi tất yếu của các ngành sản xuất toàn cầu và với tâm nguyện muốn tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập cho bà con nông dân tại quê hương xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội). Anh Nguyễn Đức Tuấn, anh Hồ Xuân Huy cùng một số bà con đã thành lập tổ sản xuất, mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị, hướng dẫn bà con thực hiện sản xuất sợi chuối từ tháng 11/2019.
Qua thống kê sơ bộ, hiện tại Việt Nam có khoảng 150.000ha chuối lấy quả có diện tích lớn, quy mô trang trại, nông trại, nếu tính cả diện tích nhỏ lẻ của các hộ gia đình, các giống chuối không lấy quả như: Chuối lá, chuối hột, chuối rừng thì diện tích cây chuối của nước ta trên 200.000 ha. Diện tích chuối đó tương đương với khoảng 200.000 tấn sợi mỗi năm, với giá sợi thô thấp nhất trên thị trường quốc tế hiện nay là khoảng 3,5 USD/kg thì số lượng sợi trên tương đương khoảng 700 triệu USD. Từ sản phẩm sợi chuối thô người ta còn có thể sản xuất nhiều loại sản phẩm như thủ công mỹ nghệ, giấy các loại như giấy in tiền, giấy gói hàng, đến những vật liệu cao cấp dùng trong công nghiệp ô tô, du thuyền… tạo nên giá trị thương phẩm gấp bội.
Được biết, thị trường sợi chuối thế giới đã hình thành và phát triển khoảng 15-20 năm nay và tạo nên một thị trường sôi động, phát triển liên tục, những quốc gia xuất khẩu sợi chuối thô lớn nhất thế giới như: Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc, mỗi năm thu hàng tỷ USD. Theo các báo cáo nghiên cứu thị trường của các hãng nghiên cứu lớn trên thế giới như Euromonitor thì mức độ tăng trưởng trong 10 năm qua của thị trường sợi chuối luôn ở mức 16 – 30% một năm. Chỉ tính riêng Philipines với cây chuối siêu sợi mang tên gọi riêng Abaca, hàng năm họ đã phải tăng diện tích trồng từ 150 – 200 nghìn ha mới đủ cung cấp cho thị trường xuất khẩu.
Trước hiện trạng cây chuối của Việt Nam hiện nay chỉ chủ yếu dùng để lấy quả, một số ít tận dụng được lá khô, lá tươi, hoa tươi còn thân chuối gần như 100% là chặt bỏ, gây lãng phí và thậm chí gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sản xuất trồng trọt. Các chủ trang trại đều phải mất chi phí cho việc đốn hạ, vứt bỏ thân chuối sau thu hoạch. Năm 2019, Công ty cơ khí chính xác GMF và Công ty Musa Pacta đã ký kết hợp đồng hợp tác và cùng nghiên cứu phát triển đồng bộ thiết bị cho ngành khai thác sợi chuối tại Việt Nam. Những mẫu máy tuốt sợi, máy xẻ thân chuối, máy ép bã, máy ép khuôn chậu cây từ bã chuối, máy làm sạch sợi… đã lần lượt được Công ty cho ra đời.
Hiểu rõ được đặc tính của cây chuối đã từ lâu gắn bó với đất và người Khai Thái và có thể nói không có loại cây nào dễ trồng, dễ kiếm hơn cây chuối ở vùng đất này. Qua quá trình tìm hiểu anh Nguyễn Đức Tuấn và anh Hồ Xuân Huy thấy rằng đây là một sản phẩm có tiềm năng phát triển to lớn vì từ quá trình sản xuất cho đến sản phẩm cuối cùng đều tận dụng tối đa, ưu việt hóa những phụ phẩm của ngành trồng chuối, một loại cây trồng cực kỳ dễ tính và phổ biến khắp cả nước. Xu thế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là hướng đến phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và hạn chế sử dụng đồ nhựa, đó chính là mảnh đất mầu mỡ để các sản phẩm của sợi chuối đến với thị trường. Hai anh đã tìm đến với Công ty Musa Pacta, Công ty GMF – những người đầu tiên của cả nước nghiên cứu và kinh doanh sợi chuối của Việt Nam, mạnh dạn đầu tư xưởng sản xuất sợi chuối ngay tại xã Khai Thái.
Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái ra đời nhằm phát triển sản phẩm sợi chuối của Khai Thái có thể trở thành sản phẩm mũi nhọn của địa phương.
Trong thời gian ngắn vừa qua, từ quy mô chỉ 2 – 3 lao động, hiện nay xưởng của các anh đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 30 lao động từ việc chặt chuối, vận chuyển, tuốt sợi, ép bã, ngâm ủ nước thân chuối, quả chuối để làm chế phẩm sinh học hữu cơ, sản xuất một số đồ thủ công mỹ nghệ, gia dụng bằng sợi chuối. Sau một thời gian hoạt động sản xuất với quy mô ngày càng mở rộng, hiện đã có 3 cơ sở sản xuất, 1 cơ sở sản xuất sợi tại thôn Lập Phương, 1 cơ sở sản xuất thủ công, ngâm ủ tại thôn Lập Phương, 1 cơ sở sản xuất thủ công, ngâm ủ tại thôn Vĩnh Trung đều thuộc xã Khai Thái.
Với mong muốn nhận được nhiều sự chung sức, chung lòng của người lao động cũng như sự quan tâm của các cấp, các ngành, Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái ra đời nhằm phát triển sản phẩm sợi chuối của Khai Thái có thể trở thành sản phẩm mũi nhọn của địa phương, biến sản phẩm sợi chuối trở thành một sản phẩm đạt mức 5 sao của chương trình quốc gia Mỗi làng một sản phẩm (OCOP). Để cả nước có thể học tập về làm sợi chuối và nhiều người dân Khai Thái cũng như trên cả nước có thêm thu nhập, việc làm góp phần phát triển kinh tế gia đình cũng như kinh tế gia đình và đất nước.
Bùi Nguyên/Baoxaydung.com.vn