Sau khi thu hoạch quả, thân chuối được thu gom và chế biến thành các sản phẩm sợi, bã và nước sau khi chia tách sẽ được chế biến thành phân hữu cơ. Tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, HTX thương mại và dịch vụ nông nghiệp Khai Thái (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) không chỉ tạo công ăn việc làm cho bà con mà còn hướng tới chinh phục thị trường tỷ USD từ mặt hàng này.
Sự bắt tay của doanh nghiệp, HTX và nông dân
Những ngày đầu tháng 7/2020, khi Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn bình thường mới, xã Khai Thái trở lên nhộn nhịp hơn bởi bên cạnh công việc đồng áng, bà con trong xã có thêm nghề tay trái – sản xuất sợi từ thân cây chuối.
Cây chuối sau khi thu hoạch buồng, thân chuối được thu gom về, bổ đôi, tách bẹ và đưa vào máy ép sợi. Sợi chuối được phân loại và đưa lên giàn, phơi khô, sau đó bó lại và đưa vào máy quay sợi. Sợi chuối thô có thể được sử dụng để làm ra nhiều loại sản phẩm như: thủ công mỹ nghệ, giấy các loại, đến những vật liệu cao cấp trong công nghiệp ô tô, du thuyền… có giá trị gia tăng lớn.
Đối với nhiều ngành nghề thủ công, việc sử dụng hóa chất là tất yếu. Nhưng đối với việc sản xuất sợi chuối thì hoàn toàn không. Phụ trách công đoạn se sợi, chị Nguyễn Hồng Thanh (xã Khai Thái) cho biết, mỗi một ngày làm chăm chỉ sẽ cho thu nhập từ 150.000 – 160.000 đồng. “Trước kia thân cây chuối chủ yếu dùng làm thức ăn chăn nuôi lợn, nhưng khi dịch tả lợn châu Phi, chăn nuôi gặp khó nên thân chuối vứt bỏ. Giờ thân chuối được tận dụng hết, không chỉ giảm ô nhiễm môi trường, bà con nơi đây có thêm việc làm và thu nhập nên rất phấn khởi”, chị Nguyễn Hồng Thanh nói.
Nắm bắt xu thế phát triển bền vững, thân thiện với môi trường là hướng đi tất yếu của các ngành sản xuất toàn cầu, cùng với mong muốn có thêm công ăn việc làm cho nông dân tại xã Khai Thái, tháng 11/2019, ông Nguyễn Đức Tuấn cùng một số bà con đã thành lập HTX thương mại và dịch vụ Khai Thái. Đây cũng là HTX đầu tiên tại Việt Nam sản xuất sợi từ thân chuối.
Trao đổi với phóng viên báo Công Thương, ông Nguyễn Đức Tuấn – Chủ tịch HTX thương mại và dịch vụ nông nghiệp Khai Thái – cho hay, cây chuối từ lâu đã gắn bó với người Khai Thái. Dễ trồng, dễ kiếm và trong quá trình tìm hiểu, anh Tuấn nhận thấy đây là sản phẩm có tiềm năng phát triển vì có thể tận dụng tối đa, ưu việt hóa những phụ phẩm của ngành trồng chuối. “Xu thế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là hướng đến phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và hạn chế sử dụng đồ nhựa, đó chính là mảnh đất màu mỡ để các sản phẩm của sợi chuối đến với thị trường”, ông Nguyễn Đức Tuấn nói.
Xuất phát từ ý tưởng, HTX Khai Thái cũng bắt tay với Công ty Cơ khí chính xác GMF và Công ty TNHH MTV Musa Pacta ký kết hợp đồng hợp tác và cùng nghiên cứu phát triển đồng bộ thiết bị cho ngành khai thác sợi chuối tại Việt Nam. Từ quá trình hợp tác này, GMF và Musa Pacta đã lần lượt giới thiệu ra thị trường một loạt các mẫu máy dành cho ngành khai thác sợi chuối như: Máy tuốt sợi chuối, máy xẻ thân chuối, máy ép bã, máy ép khuôn chậu cây từ bà chuối, máy làm sạch sợi… Phía Công ty TNHH MTV Musa Pacta sẽ bao tiêu đầu ra sản phẩm cho HTX.
Đến nay, công việc của HTX đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 30 lao động. Sau 7 tháng đi vào hoạt động, đến nay HTX đã phát triển được 3 cơ sở gồm: 1 cơ sở sản xuất sợi và 1 cơ sở sản xuất thủ công, ngâm ủ tại thôn Lập Phương; 1 cơ sở sản xuất thủ công, ngâm ủ tại thôn Vĩnh Trung.
Hướng đến thị trưởng tỷ USD
Đã có sẵn nguyên liệu và cách làm, cùng một mô hình khả thi, yếu tố thị trường là nỗi lo lắng của bất cứ HTX, doanh nghiệp nào. Ông Bùi Khánh Dũng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Musa Pacta – cho hay, thị trường sợi chuối thế giới đã hình thành và phát triển khoảng 15- 20 năm nay. Đây là một thị trường sôi động, phát triển liên tục với những quốc gia xuất khẩu sợi chuối thô hàng đầu thế giới như: Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc… mỗi năm thu về hàng tỷ USD.
Theo các báo cáo nghiên cứu thị trường của các hãng nghiên cứu lớn trên thế giới như Euromonitor, mức độ tăng trưởng trong 10 năm qua của thị trường sợi chuối luôn ở mức 16 – 30%/năm.
Khoảng hơn 10 năm trước, Philippines đã thành lập Tổng công ty Sợi chuối trực thuộc Bộ Nông nghiệp Philippines. Chỉ tính riêng Philippines, với cây chuối siêu sợi có tên gọi Abaca, hàng năm quốc gia này tăng thêm diện tích trồng từ 15 – 20 vạn ha mới đủ cung cấp cho thị trường xuất khẩu.
“Dù có ưu việt nhưng sợi chuối của Philippines không so sánh được với sợi chuối của Việt Nam. Bởi lẽ, sợi chuối của Việt Nam có độ mềm mượt, sáng, mịn tương đương như sợi chuối Ấn Độ. Hiện nay, sợi chuối Ấn Độ đắt hơn sợi chuối Philippines gần 2 lần”, ông Bùi Khánh Dũng nói.
Dù kỳ vọng sợi chuối Việt Nam có thể cạnh tranh với sản phẩm tương tự của Ấn Độ và Philippines, nhưng ông Bùi Khánh Dũng cho hay, hiện Việt Nam mới đang ở thời điểm bắt đầu. “Khi bắt tay vào sản xuất, có những đối tác từ Singapore hay Dubai khi liên lạc với chúng tôi thì một trong những câu hỏi của họ là có đúng Việt Nam sản xuất hay không? Chúng tôi phải khẳng định, đây là sợi chuối của Việt Nam và do chúng tôi sản xuất”, ông Bùi Khánh Dũng nói.
Ông Bùi Khánh Dũng cho rằng, đây có lẽ là sự thử thách, khi dịch Covid-19 đã và đang diễn ra. Rất nhiều sự giao thương qua lại bị chậm lại. Khi dịch đi qua, giao thương kết nối lại, các đối tác của doanh nghiệp sẽ qua Việt Nam, đây sẽ là cơ hội để sợi chuối Việt Nam bước chân vào thị trường sợi chuối thế giới.
Xã Khai Thái với dân số 9.700 người, 2.700 hộ, lao động dư thừa ở nông thôn rất nhiều. Ông Nguyễn Viết Thắng – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Khai Thái – chia sẻ, tại Việt Nam, cây chuối hiện tại chủ yếu dùng để lấy quả, một số ít tận dụng được lá khô, lá tươi, hoa tươi. Thân chuối gần như 100% là chặt bỏ, gây lãng phí và thậm chí gây ô nhiễm môi trường, người trồng chuối thậm chí phải mất chi phí cho việc đốn hạ, vứt bỏ thân chuối sau thu hoạch. HTX thương mại và dịch vụ nông nghiệp Khai Thái được thành lập và đi vào hoạt động không chỉ tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động trong xã mà còn giúp giải bài toán môi trường. Ông Nguyễn Viết Thắng cùng kỳ vọng sự phát triển HTX sẽ vươn tới các xã trong huyện Phú Xuyên.
Việt Nam hiện có khoảng 150.000ha chuối lấy quả có diện tích lớn ở quy mô trang trại, nông trại. Nếu tính cả diện tích nhỏ lẻ của các hộ gia đình, các giống chuối không lấy quả như chuối lá, chuối hột, chuối rừng, diện tích cây chuối ở nước ta trên 200.000ha. Diện tích này có thể cung cấp lượng sợi khoảng 200.000 tấn/năm, có thể đem lại doanh thu khoảng 700 triệu USD nếu tính theo giá sợi chuối thô thấp nhất trên thị trường quốc tế hiện nay, khoảng 3,5 USD/kg.
Sẵn sàng tham gia vào các chương trình quốc gia trong phát triển nông nghiệp, nông thôn như Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP)… ông Nguyễn Đức Tuấn cho hay, mục tiêu HTX hướng đến không chỉ tạo công ăn việc làm cho bà con địa phương mà còn phát triển sợi chuối của Khai Thái có thể trở thành sản phẩm mũi nhọn của địa phương và xa hơn là viết tên Việt Nam trên bản đồ thị trường sợi chuối thế giới.
(https://congthuong.vn/soi-chuoi-viet-va-ky-vong-chinh-phuc-thi-truong-ty-usd-140112.html)